Friday, July 14, 2017

Liên Đoàn Bách Việt.




Bach Viet Scouting Group  

Bach Viet Scouting Group is a non-profit organization, which serves Vietnamese Youths of Santa Clara County, North California, who were born or raised in America.To preserve the Vietnamese culture and tradition, scouters who have previously been active in the Vietnamese Scouting Movement had founded this group since 2002. Combining Vietnamese Scouting Patrols Management and American Scouting Improvement, we strive to help young boys and girls get used to an independent style of life, know how to plan individual schedule, and develop a willingness to help their communities.To adapt to the needs of varying ages of youths from six to twenty-five, there are five Troops: Cubs Scout (Ấu đoàn Lạc Long Quân-Pack 179), Boy Scouts (Thiếu đoàn Quang Trung-Troop 179), Girl Scouts (Thiếu đoàn Nhị Trưng và Ấu Đoàn Âu Cơ-Troop 60919), Ventures (Kha đoàn Trần Quốc Tuấn-Crew 179) and Rover Scouts (Tráng đoàn Bách Việt), all of which is chartered by Nang The Ky 21 Magazine.

Bach Viet Scouting Group is segregated into three units: Unit 179 includes Pack, Troop and Crew member of BSA; Unit 60919 includes members of GSA Northern California Council; Service Unit 23 is for girl’s ages six to eighteen. Experienced and enthusiastic adult leaders have been trained from basic to advance courses in Vietnam and in America. Parents participate by supporting all activities of the group, which enhances the learning experience of the scouters and help the troop meet our goals. From the beginning, Bach Viet Groups base our teaching on Vietnamese traditional culture values, while also adapting American culture. The Groups participate in all the Vietnamese community activities, such as, Tet Festival, Gio To Hung Vuong, Hai Ba Trung, Tran Hung Dao, Quang Trung, and Tet Trung Thu Middle Autumn Festival. The Groups also participate in many activities lead and hosted by BSA when possible, such as summer camps, Scout-O-Rama, Food Banks drives each year. Beside these activities, Bach Viet Groups also collaborates with many social troops to help the homeless, American Veterans, and similar groups that need support.

Bach Viet Groups started with 15 members. After 15 years, it has reached as many as 150 youths and 20 adults as leaders, most of whom have completed the Wood Badge training and now they have become the troop leaders. In addition, there are 2 dozen Eagle Scouts, 10 girls with Bronze Awards, 5 girls with Silver Awards, and 1 girl with Gold Awards. www.liendoanbachviet.blogspot.com.

Liên Đoàn Hướng Đạo Bách Việt là một tổ chức vô vụ lợi nhằm phục vụ tuổi trẻ Việt Nam sinh ra hoặc lớn lên trên đất Mỹ tại Châu Santa Clara, miền Bắc tiểu bang California.

Để duy trì văn hoá và truyền thống dân tộc Việt, một số Huynh Trưởng và anh em hướng đạo đã sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo tại Việt Nam trước đây đã thành lập Liên Đoàn, phối hợp phương pháp hàng đội tự trị của Hướng Đạo Việt Nam và những đổi mới của Hướng Đạo Hoa Kỳ hầu giúp cho các thanh thiếu niên Việt Nam quen dần với đời sống tự lập, biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống cá nhân và có tinh thần vị tha phục vụ công ích cộng đồng.

Liên đoàn gồm 4 ngành: Ấu, Thiếu, Thanh, Tráng đáp ứng nhu cầu cho các em thanh thiếu niên tuổi từ 7 đến 25, sinh hoạt trong khuôn khổ của Boy Scout of America, Units 179 thuộc Đạo Coyote Creek và Girl Scout of America, Unit 60919, đơn vị phục vụ số 23 thuộc Bắc California Hoa Kỳ.

Các Huynh Trưởng Liên Đoàn đã tốt nghiệp các khoá huấn luyện của Hướng Đạo Viêt Nam và Hướng Đạo Hoa Kỳ, từ cấp căn bản đến các cấp cao đẳng, nhiều kinh nghiệm và đầy nhiệt tình với tuổi trẻ. Hội Phụ Huynh cũng rất tích cực yểm trợ cho các sinh hoạt của các em được nhiều thuận lợi.

Sau 15 năm hoạt động, Liên Đoàn đã đạt được nhiều thành tích đáng kể về mọi mặt, đã là cội gốc từ đó phân ra một số Liên Đoàn khác trong vùng. Đã có hơn 20 Trưởng từ liên đoàn được gừi đi tham dự các khóa huấn luyện; có hơn 25 em HĐS nam nhận Đẳng Hiệu Hướng Đạo Đại Bàng (Eagle Scout) của Hội Nam HĐ Hoa Kỳ, và có hơn 10 em Nữ nhận đẳng hiệu Bronze Awards, 5 em nhận Silver Awards, và 1 em Gold Award của Hội Nữ HĐ Hoa Kỳ.


Xin mời vào thăm trang web của Liên Đoàn tại www.liendoanbachviet.blogspot.com để biết thêm về những sinh hoạt hữu ích của các em thanh thiếu niên trong vùng Santa Clara.

Wednesday, July 12, 2017

Lời Chia Tay Cùng Anh Nguyễn Tuyên Thùy.

 Lời Chia Tay Cùng Anh Nguyễn Tuyên Thùy

Thưa Anh Sóc Nhanh Nhẹn Nguyễn Tuyên Thùy
Từ một nơi rất xa quê hương yêu dấu                                                                           
Những người con Việt đang vui đón xuân về                                                                            
Có gió thơm hương vị quê nhà                                                                                      
Có hoa xuân đậm đà sắc thắm...                                                                                              
Nhưng bao năm rồi                                                                                                                  
Anh thiếu vắng mùa xuân                                                                                                          
Vì thân mòn sức yếu                                                                                                                
Sớm sớm hôm hôm nỗi buồn đơn chiếc                                                                                    
Đời lẻ bạn, tình cũng hắt hiu..    
Anh chị em tráng sinh Tráng Đoàn Nguyễn Trãi                                                            
Vẫn hoài nhớ đến anh                                                                                                  
Đã định ngày viếng thăm                                                                                                          
Cho thỏa thuê nghĩa tình Hướng Đạo                                                                            
Nào ngờ đâu! Trời chẳng chiều lòng người                                                                                
Anh đã vội vã   ra đi                                                                                                                
Một chiều xuân lạnh lẽo gió cùng mưa
Nhớ xưa...                                                                                                                               
Một thời trai trẻ thuở hoa niên                                                                                      
Vui đời Hướng Đạo tuổi thần tiên                                                                                             
Đã vào cuộc dấn thân Giúp Ích                                                                                    
Bước chân vui đi khắp mọi miền...                                                                                                                                                                                                                                           
Khi đất nước vang lời sông núi gọi                                                                                            
Anh dâng đời đi bảo vệ quê hương                                                                                           
Tổ Quốc gọi! người Tráng Sĩ Lên Đường                                                                                 
Mảnh tình trai vui đời chinh chiến                                                                                              
Cùng trăng nước núi đồi sông biển                                                                                            
Dẫu gian nguy vẫn mỉm miệng cười...
Đầu thập niên sáu mươi                                                                                                            
Duyên công vụ, anh hội ngộ rừng núi Lâm Viên – Đà Lạt                                                          
Ba lô anh chất đầy sương gió                                                                                                   
Nửa gánh nước non trĩu nặng                                                                                                   
Nửa gánh ân tình Hướng Đạo cưu mang

Anh – Người Tráng sinh dấn bước Lên Đàng                                                               
Ngày băng rừng vượt núi                                                                                                         
Đêm ngắm mảnh trăng thanh                                                                                                    
Lửa Dặm Đường có chị có anh                                                                                                
Đời Hướng Đạo chứa chan Nguồn Thật                                                                                   
Tráng đoàn đầu tiên anh thành lập                                                                                            
Tên: địa danh lịch sử Đống Đa                                                                                     
Từ đấy, rừng Lâm Viên vang tiếng hát ca                                                                                 
Núi rừng  mây nước xanh đón bước chân anh
Đời anh gắn liền Hương Hoa Bách Hợp                                                                        
Lúc Bình Dương, Thủ Đức,  khi Vàm Cỏ, Đồng Nai                                                    
Chí anh vững, chân anh bước miệt mài                                                                         
Cho thỏa chí tang bồng đây cùng đó                                                                                         
Theo bước đàn anh tấm lòng tri kỷ                                                                                           
Tại Thủ Đức lập Tráng Đoàn    Dã Mã                                                                                    
Để nhớ người Trưởng Võ Thành Minh                                                                          
Từ hoàng hôn cho đến bình minh                                                                                              
Anh ngẩng mặt bước đi cùng sương gió
Rõ trách nhiệm, anh nhận vai trò Châu trưởng                                            
Châu Đông Sơn gồm các Đạo Tâm Bình,                                                   
Vàm Cỏ Đông, Biên Hòa,Thủ Đức, Đồng Nai                                
Cùng Long Biên, Vạn Thắng, Vũng Tàu,                                                                
Mở vòng tay kết nối nhịp cầu                                                                 
Cho đàn trẻ dìu nhau tiến bước...
Phát triển Phong Trào anh không từ khước                                                            
Vì đàn em vì đất nước                                                                       
 Hướng Đạo Sinh Quân đội lập thành                                               
Các thú rừng còn nhớ Sóc Nhanh                                                                      
Người tổ chức mùa hè năm bảy mốt (1971)                                                       
Họp Bạn Hướng Đạo Sinh quân đội                                                     
 Rừng Chí Linh vui rợp bóng cờ                                                                         
Hoa Bách Hợp tung bay trước gió
Tình quân dân càng thêm gắn bó                                                                    
Cùng chung tay rèn luyện trẻ thơ...
Nhưng than ôi!...                                                                                             
Vận nước rơi vào cơn bỉ cực

Anh đứng thẳng trước cường quyền bạo lực                                                 
Hoa Bách Hợp vẫn sáng trong tim                                                                      
Luật - Lời Hứa: Giữ Vững Niềm tin                                                         
Người Tráng sĩ nung mài chí khí
Anh vui sống, không buồn than bi lụy                                               
Cho đến ngày tung cánh tự do                                                              
 Bách Hợp rừng xưa đốt lửa hẹn hò                                                                   
Anh sống lại đời trai Hướng Đạo                                                                
Họp bạn mấy mùa chung tay đào tạo                                                                  
Thương đàn trẻ thơ hải ngoại hát ca                                                               
Bốn biển anh em sum họp một nhà
Chí anh vững                                                                                             
Tâm anh trong sáng                                                                                            
Lời thị phi anh coi như gió thoảng                                                               
Vẫn tươi cười   gánh vác chuyện Tráng sinh                                               
Chung Một Đường Lên chung một tâm tình                                                        
Lòng anh nở nụ hoa tươi Nguồn Thật                                                               
Vị tha nhân, tâm hồn anh chất ngất                                                                     
Bờ tử sinh anh gửi lại hương hoa                                                                 
Lòng trung kiên, nhân ái, hiền hòa                                                                       
Tô thắm mãi tình Hoa Bách Hợp...
Thưa Anh Sóc Nhanh Nguyễn Tuyên Thùy                                                        
Hôm nay anh chị em tráng sinh Tráng đoàn Nguyễn Trãi                                     
Thành kính đốt hương tưởng nhớ                                                                        
Tiễn anh Lên Đường về miền An Lạc                                                   
Về cõi mênh mông xa chốn bụi hồng                                                      
Từ nay anh chắp cánh thong dong                                                                      
Cùng mây nước cuối trời phiêu lãng

 TS Hoàng Kim Châu phụng soạn
San Jose ngày 11 tháng 3 năm 2017



CÂU CHUYỆN NGÀNH TRÁNG.

CÂU CHUYỆN NGÀNH TRÁNG
 – Cung Giũ Nguyên
 
DUYÊN KHỞI
Tình cờ  từ năm 1993, tôi được hân hạnh quen với một số anh em, gọi là Bộ Tộc Kha Ho, và đã có cùng nhau  những cuộc du ngoạn và thăm viếng ngắn cũng như dài, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Có người đã nẩy ý nên dùng cơ hội để cùng nhau học hỏi thêm về giáo dục thanh thiếu niên, về phương pháp Hướng Đạo bấy lâu nghe nói đến nhiều nhưng không hiểu đúng bao nhiêu. Do đó mới có những buổi hội học, rất lý thú, mỗi khi thì giờ nhàn rỗi cho phép, không nhất định là ở đâu.  Trong nhà, chung quanh bữa ăn thanh đạm, hay bất cứ nơi nào thuận tiện, nơi bờ biển, trên thuyền lướt lên sông Lô, trên xe hơi chạy trên đường xuyên Việt, trong rừng âm u của Bảo Lộc, bên Hồ Than Thở Đà Lạt, hay ban đêm nơi bờ sông An Cựu ở Huế, nơi vườn dừa Ngọc Thảo, nơi một nhà tạm trống ở Thủy Lợi, Hộ Diêm, bên Biển Hồ lộng lẩy của Pleiku… Đề tài thường được cho anh em biết trước, có khi có bản hướng dẫn để tiện bề thảo luận.Tập tài liệu nầy được soạn lại, dựa trên các buổi hội học ấy, với mục đích để cho các anh em có một bản văn lưu niệm, nhớ lại những buổi sống bên nhau, hoặc tiện bề  xem lại, và nếu có cơ hội,  áp dụng những gì đã học hỏi. Tập sách được chia làm hai phần,  một về những vấn đề của Tráng Sinh, một phần về những vấn đề của Tráng Trưởng, cho Tráng Sinh muốn sau nầy trở thành Tráng Trưởng có thể biết trước những điều kiện nào mình có thể đảm đương trách nhiệm. Ngược lại, các Tráng Trưởng, vì đã là Tráng Sinh, và vẫn tiếp tục sống lý tưởng Tráng Sinh, cũng cần ôn lại những gì đã biết, và với sự suy gẫm sâu sắc hơn, sẽ biết  đường lối nào để “say sưa dìu dắt đàn em “. Mặt khác lối phân những đề tài như  trên, muốn nhắc lại một điều thường không được lưu ý đúng mức, là những nguyên lý, phương pháp và mục tiêu gom trong phần nhất, là những điều, nếu theo đúng tinh thần của người sáng lập là, về nội dung, không thể bỏ bớt, thay đổi hay bóp méo, huống hồ là chủ trương trái nghịch.  Phần hai gồm những đề tài thuộc về “tổ chức” phong trào, việc thay đổi tùy theo điều kiện của thực tế chính trị, xã hội hay tùy theo khí hậu hay điều kiện kinh tế, có thể sửa đổi tùy nghi. Cái  mũ nỉ bốn u được thay thế bằng cái béret basque hay mũ polo, hay nón lá, hay khăn vấn trên đầu (tôi nhớ mấy ông bạn Hướng Đạo người Sikhs của tôi ở Ấn Độ), quần cụt thay quần dài hay váy (mấy Hướng Đạo Tô Cách Lan mặc như thế đấy), không có gì trái nghịch với tinh hoa của Hướng Đạo, cũng như lối chia toán hay tổ hay lấy tên nầy tên kia đặt cho những lễ lạc hay bằng khả năng hay chuyên môn. Chúng ta không quên câu của Huân Tước Baden Powell, “Lúc đầu chúng ta có một ý nghĩ, sau đó trở thành một lý tưởng; rồi một phong trào; nếu các bạn trẻ không coi chừng trò chơi của chúng ta có thể chấm dứt vì cái  tổ chức.” Dịch một cách nôm na: Tốt mả có thể rã đám, nên tìm cái chủ yếu, nội dung, đừng cãi nhau hay đánh nhau chỉ vì hình thức. Trong phần thứ nhất, có những chương II, V, XII, quá dài so với những chương khác.  Xin đừng ngạc nhiên, chỉ vì đấy là ba chương chính của phong trào Hướng Đạo: Hướng nhân vị, hướng cộng đồng, hướng tâm linh, đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt hơn; những chương kia có thể xem là chi tiết của ba mục chính đó.Tiếp theo hai phần của Tráng Sinh và của Tráng Trưởng, chúng tôi thêm một phần Phụ Lục, gồm những tài liệu đọc thêm để “rộng đường tranh luận”.Nói chung, sách nầy có thể để cho Tráng Sinh những bộ tộc khác tạm thời dùng, có đề tài, biết rồi hay chưa biết, cũng nên suy gẫm thêm, liên quan nhiều hay ít đến việc chuẩn bị vào đời của Tráng Sinh, cho Tráng Trưởng những gợi ý cho những câu chuyện dưới cờ, hay sau lửa trại, và nếu Tráng Trưởng phải làm công việc huấn luyện viên, cho những khóa đào tạo. Hướng Đạo là cuộc sống,lối sống không phải là sách vở hay bài học. Nhưng Tráng Sinh cũng như Tráng Trưởng cần trang bị một số kiến thức vững chắc, trước là về Hướng Đạo, sau về những vấn đề phổ thông liên quan đến cộng đồng mà Tráng Sinh muốn phục vụ bây giờ và sau nầy. Chương trình các Tráng Đoàn có trù tính việc thiết lập những hội học định kỳ, nhắm đến mục tiêu đó. Tập tài liệu nầy nhắc đến những đề tài có thể đem vào chương trình sinh hoạt thứ hội học ấy. Không thể đòi hỏi Tráng Trưởng phải hiểu biết tất cả vấn đề để thuyết trình cho các đoàn viên, nhưng, như đã nhắc lại ở một nơi khác, Tráng Đoàn, nếu có cơ hội, nên mời những nhà chuyên môn ngoài phong trào, điều khiển những buổi hội học liên quan đến sở trường của họ, để bảo đảm chất lượng cho việc học hỏi của Tráng Sinh. Chúng tôi hy vọng  có Trưởng thấy thiếu sót hay sai lầm trong  tập nầy và tìm ra duyên khởi cho những nghiên cứu đầy đủ hơn nữa,  phù hợp với sự đòi hỏi của Tráng Sinh mà trình độ văn hóa, với thời gian, nhất định phải cao hơn nhiều.
Chúng tôi không quên  ghi nơi đây sự biết ơn những anh chị em trong Bộ Tộc Kha Ho, đã hiến cơ hội, đóng góp ý kiến và tài liệu  cho chúng tôi  thực hiện được tập sách nầy.

Nha Trang, ngày 15 tháng 6, 1998.
Cung Giũ Nguyên

HƯỚNG ĐẠO LÀ GÌ?
Nguyên lý – Phương pháp – Mục tiêu
Dùng châm ngôn của ba ngành chính của Hướng Đạo nối lại, có thể thấy dưới một hình thức ngắn gọn, mục đích của giáo dục Hướng Đạo đề nghị cho  các bạn trẻ là:  Gắng sức – Sắp sẵn – Giúp ích.

ĐỊNH NGHĨA HƯỚNG ĐẠO
1. Định nghĩa theo các từ điển
Những từ điển tiếng Pháp (Larousse, Robert…), tiếng Anh (Webster, Oxford..) đều có ghi định nghĩa từ  chúng ta gọi là “Hướng Đạo”, dưới đề  mục scoutisme, scouting, hay scout, hay boy-scout,  đại khái là “Phong trào giáo dục bổ sung cho gia đình và học đường xây dựng trẻ về đủ phương diện nhờ những trò chơi ngoài trời, phong trào giáo dục được Huân Tước Baden Powell, người Anh, (1857-1941) sáng lập”.
Tương đối đầy đủ hơn hết có lẽ là những ghi chú của từ điển Pháp  Le Petitt  Robert 1, ấn bản 1990:
scoutisme =  n.m. (1924; de  scout) Mouvement éducatif destiné à compléter la formation que l’enfant reçoit dans la famille et à l’école, en offrant aux jeunes des activités de plein air et des jeux.
scout, e  =  n.m. et adj. (1922 ; angl. boy-scout) N.m.  Enfant, adolescent , faisant partie d’un mouvement de scoutisme. V, boy-scout (vieilli) louveteau, routier ; guide.  – Adj : Propre  aux scouts, au scoutisme. – Fig. Avoir un côté scout. V. boy-scout “  On est en pleine civilisation scoute” (Barthes).(Ta đang ở trong văn minh hoàn  toàn Hướng đạo).
boy-scout  =  1910, mot anglais “garçon éclaireur., Vieilli, Scout . Fig. Fam = Idéaliste naĩf :  Người lý tưởng ngây thơ.
louveteau  = scout  de moins de douze ans.
guide  = jeune fille appartenant à un mouvement  féminin de scoutisme.
Từ điển Bách Khoa The Grolier Multimedia Encyclopedia, 1996, khá hơn nữa khi nói về  Scouting,  giải thích: Một phong trào thế giới của những nhóm trẻ mà mục tiêu là giúp cho thiếu niên và thiếu nữ phát triển tánh khí, tinh thần công dân, thể lực và tâm trí bằng cách huấn luyện thành viên  qua những hoạt  động ngoài trời, rèn luyện khả năng tháo vát và khuyến khích giúp ích cộng đồng.  Nhiều quốc gia có tổ chức Hướng Đạo, và số Hướng Đạo Sinh nam nữ trên thế giới lên đến nhiều triệu người.  
Rất tiếc, những định nghĩa công phu trên không nói hết những đặc điểm của phong trào Hướng Đạo, để cho thấy phong trào ấy có những gì dặc â biệt, không giống những phong trào thanh niên hay giáo dục khác trên thế giới.
Muốn hiểu rõ Hướng Đạo là gì, cần phải biết những nguyên lý, phương pháp, mục tiêu của Hướng Đạo. Về điểm nầy, không gì tốt hơn là dựa vào những tuyên bố chánh thức của tổ chức Hướng Đạo Thế Giới, là định chế có bổn phận hơn ai hết vạch rõ đường lối của Hướng Đạo, đúng theo tinh thần của người sáng lập, được nhận thấy qua những tác phẩm chính yếu của Baden Powell, như  Aids to Scoutmastership, Scouting for boys, The  Wolf Cubs Handbook, Rovering to Success…
2 – Định nghĩa theo Hiến Chương Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới:
Phong trào Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, đặt căn bản trên sự tự nguyện, đó là một phong trào có tánh cách không chính trị, mở ra cho mọi người, không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, thể theo mục đích, nguyên tắc và phương pháp  do vị sáng lập phong trào đề xướng và trình bày sau đây.


MỤC ĐÍCH
Phong trào Hướng Đạo có mục đích góp phần vào việc phát triển thanh thiếu niên bằng cách giúp họ phát huy toàn vïẹn các khả năng về thể chất, trí tuệ, xã hội và tinh thần, trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm, và trên cương vị thành viên các cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.

NGUYÊN TẮC
Phong trào Hướng Đạo đặt nền tảng trên các nguyên tắc sau đây :
1. Bổn phận đối với Thượng Đế – Tuân theo những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo thể hiện các nguyên tắc đó, và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó.
2  Bổn phận đối với tha nhân – Trung tín với đất nước trong chiều hướng phát huy hòa bình, sự cảm thông và hợp tác trên các  lãnh vực địa phương, quốc gia và quốc tế. Tham gia vào việc phát triển xã hội trong sự tôn trọng phẩm giá con người và toàn vẹn của thiên nhiên.
3        Bổn phận đối với chính mình – Nhận trách nhiệm về sự phát triển của chính bản thân.
4         
PHƯƠNG PHÁP
Phương pháp Hướng Đạo là một hệ thống tự giáo dục tuần tự dựa trên  
l  Lời hứa và Luật Hướng Đạo
2  Học bằng hành động
3  Sinh hoạt từng nhóm nhỏ = Hay phép hằng đội.
Những phương pháp không được ghi rõ ràng trong hiến chương, nhưng vẫn được  xem là phương pháp để đạt những mục tiêu nói ở trên.
1   Trò chơi
2.  Hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên
3.  Trẻ dạy trẻ, với sự giúp đở của người lớn
4.  Giáo dục từng trẻ một
5   Hệ thống đẳng cấp và chuyên hiệu
Các nguyên lý căn bản có thể quy về ba mục tiêu chính của phong trào giáo dục Hướng Đạo theo Baden Powell:
1 –  xây dựng nhân vị   
2- Trau dồi ý thức về tha nhân, về cộng đồng, đưa đến tinh thần giúp ích, phục vụ vô vụ lợi
3- Đời sống tâm linh phong phú, cũng cố đức tin, sống đầy đủ theo tôn giáo đã chọn.
Nói gọn, giáo dục theo Hướng Đạo đề nghị xây dựng trẻ (thanh thiếu niên) theo ba hướng rõ ràng : Hướng nhân vị, hướng cộng đồng, hướng tâm linh.
--------------------------------------------------------------------------------------------
CÂU CHUYỆN NGÀNH TRÁNG
Cung Giũ Nguyên

ĐẶC ĐIỂM GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẠO
Giáo dục Hướng Đạo là một giáo dục bổ sung.
Đặc điểm nầy, chính những người điều khiển Hội hay Đoàn Hướng Đạo cũng thường hay quên, và hành động không đúng với vị trí của mình, sinh ra tự kiêu tự mãn, tưởng chỉ có mình mới lo cho trẻ, dẫm lên quyền của gia đình, của giáo hội trong việc xây dựng trẻ. Giáo dục của Hướng Đạo không thể nào mâu thuẫn  với giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục tôn giáo được. Nếu đã có đối chọi, tất nhiên gia đình không thể nào giao con cái mình cho các Trưởng Hướng Đạo, và các giáo hội cũng không thể công nhận là đoàn Hướng Đạo đã góp phần rất hiệu quả trong việc giáo dục theo đường lối của tôn giáo. Tuy mục đích của Hướng Đạo là xây dựng mọi khía cạnh của một nhân cách, hay nhân vị, Hướng Đạo không thể xem là mình có ưu vị trên những tác nhân giáo dục khác, hoặc làm cho trẻ không cần đến sự giúp đỡû của những nhóm xã hội mà trẻ một cách tự nhiên, hay tùy theo giai đoạn phát triển, phai tham gia hoạt động và tiếp thu sự giúp đỡ hay dạy bảo của gia đình, trường học,  lớp giáo lý,  hay công đoàn, nghiệp đoàn, khi thanh niên đã có nghề nghiệp, vân vân.. Tất nhiên, không tránh được xung đột – thường là giữa những cá nhân không hạp tuổi, hay cư xử vụng về, hay vì những quyền lợi riêng tư nào đó – nhưng không thể có   mâu thuẫn về nguyên lý, mục đích phương pháp giáo dục của các phía. Rắc rối nhất là khi mâu thuẫn giữa những cá nhân lại ngấm ngầm – không với cha mẹ của trẻ (vì cho đến tuổi Tráng Sinh, những thiếu niên muốn gia nhập Hướng Đạo phải có sự đồng ý của cha mẹ, nhưng thường là với thầy giáo, hay với những nhà lãnh đạo tinh thần, vì e ngại giảm bớt hay làm mất uy quyền (thường được quan niệm là tuyệt đối) đối với trẻ. Lý tưởng là những trưởng đơn vị Hướng Đạo có những quan hệ tốt đẹp với những người hay đoàn thể cũng làm một việc như mình là xây dựng trẻ (đó cũng là một điểm trong chương trình đào tạo các trưởng đơn vị Hướng Đạo).
Một sự trình bày hay phổ biến những nguyên lý, phương pháp và mục tiêu của phong trào Hướng Đạo, cũng như thái độ khiêm tốn và việc làm đúng nhiệm vụ của Trưởng có thể tạo không khí thông cảm và xây dựng có lợi cho mục đích được theo đuổi, là đem lợi ích cho chính trẻ.

Giáo dục Hướng Đạo cho những trẻ tự nguyện.
Nếu giáo dục gia đình có thể xem như là một giáo dục cưỡng chế, con cái nhất định phải nghe theo lời cha mẹ, dù muốn dù không, giáo dục Hướng Đạo lại liên quan đến những trẻ tự nguyện, tự do đến với phong trào, chấp nhận sự dạy dỗ hay huấn luyện theo luật lệ, phương pháp nhất định. Như vậy giáo dục Hướng Đạo khác với những tổ chức giáo dục khác bắt buộc trẻ phải gia nhập (Ví dụ, trong trường học, khi mọi học sinh đều phải theo hoạt động của lớp, dù muốn dù không, hay thanh niên phải tham gia việc học tập được tổ chức chung cho những thiếu niên hay thanh niên cùng lứa tuổi).
Một mặt khác, nên hiểu trẻ tự ý xin vào đoàn Hướng Đạo không có nghĩa là Hướng Đạo có quyền vào đoàn.  Việc trẻ (chữ trẻ thường được dùng trong Hướng Đạo để chỉ những thanh thiếu niên chịu giáo dục theo Hướng Đạo) xin vào là một chuyện, việc nhận hay không là tùy theo trẻ có thoả mãn các điều kiện  định trong nội quy và điều lệ của hội.
Tất nhiên trẻ không thể xem Hướng Đạo như một câu lạc bộ hay trung tâm giải trí, và có thể lựa chọn những trò chơi mình thích, và từ chối những hoạt động khác không hợp với sở thích hay khả năng. Trẻ vào đoàn lại càng không được  tự  ý giải thích những luật lệ theo quan điểm riêng của mình hay của gia đình mình. Cũng như bất cứ trò chơi nào, cũng có luật. Người muốn chơi trò chơi ấy có thể đề nghị sửa đổi, thêm bớt những gì trong nội quy hay điều lệ, quyết định về thay đổi xét ra cần thiết là do thẩm quyền của Đại Hội Đồng của Hội; đó là thuộc về những điểm không còn thích hợp trong tổ chức, và không có việc một trẻ có thể yêu cầu sửa đổi hay bỏ bớt những nguyên lý hay mục đích của cả phong trào. Khi có mâu thuẫn giữa trẻ với phong trào, chỉ có lối giải quyết duy nhất và đương nhiên, là trẻ ra khỏi phong trào một cách tự do như trẻ đã xin vào, Nơi đây, chúng ta cũng biết, phong trào không chủ trương và cũng chẳng có quyền nào bắt buộc một trẻ phải  tiếp tục ở trong Hội khi trẻ đã không muốn. Hướng Đạo trọng tự do của trẻ vì xem trẻ như là một  nhân vị.
Giáo dục Hướng Đạo chú trọng đến giáo dục cho từng trẻ một.
Nghĩa là xây dựng mỗi trẻ  từ “vốn” hay “thực tại” của trẻ.  Giáo dục Hướng Đạo về phương diện nầy, rỏ ràng không phải là một phong trào quần chúng, huấn luyện một số đông trẻ theo một mẫu  bình quân  nào đó, vì Hướng Đạo không nhắm thành công bên ngoài của đơn vị, liên đoàn hay Hội, mà chú tâm đến tiến thân của từng trẻ một. Sự cố gắng của  các trẻ không thể đồng đều, vì mỗi trẻ có thực trạng thể xác, tri giác, trí tuệ, khác nhau. Vì lẽ đó, mà các trưởng đơn vị Hướng Đạo được khuyến khích biết rõ tâm tính, tình cành gia đình, đời sống kinh tế hay tình cảm của từng trẻ một để, từ những mặt đẹp và chưa đẹp, tìm ra những phương cách giúp tối đa mỗi trẻ giài quyết những vấn đề, theo thực lực của mình.
Chương trình huấn luyện hay giáo dục của trẻ, theo Hướng Đạo, cũng như những ràng buộc có vẻ khó khăn, tuy dưới những dạng trò chơi, thử thách trẻ được tiếp diễn thường xuyên, và không phải bất cứ trẻ nào trong thực tế là như vậy, cũng có thể theo đúng luật của trò chơi Hướng đạo, và sống lâu dài lý tưởng Hướng Đạo.
Giáo dục Hướng Đạo gián tiếp đào tạo cho xã hội những công dân hữu ích.
Vì những đòi hỏi có phần gắt gao của các sinh hoạt, giáo dục Hướng Đạo giúp trẻ, sau nầy trở nên những người có tinh thần trách nhiệm, có khả năng chuyên môn không chỉ để đảm đương nghề nghiệp mình chọn, mà còn có tinh thần giúp ích cho cộng đồng. Ngoài ra, giáo dục đào tạo những trẻ biết chỉ huy biết tổ chức cuộc sống của toán, đoàn, và như thế, dễ dàng đảm đương tốt những công việc chỉ huy trong nhiều địa hạt xã hội. Giáo dục Hướng Đạo ước mong đào tạo những thành phần thượng lưu – không phải theo nghĩa phân chia cấp trên, cấp dưới, mà theo nghĩa ganh đua, thi tài, cầu tiến -. Đã có nhiều bằng chứng thanh niên Hướng Đạo tại nhiều nước Âu Tây và ngay ở Việt Nam thường được các xí nghiệp cũng như cơ quan chính phủ,  lựa chọn (người đã là Hướng Đạo) để giao những công việc quan trọng,  vì  họ xem danh từ “Hướng Đạo” như là một thứ bảo đảm về đức hạnh, về tinh thần trách nhiệm, về trung hậu, về tài chỉ huy và tổ chức.
Tuy nhiên, giáo dục Hướng Đạo trên cơ bản là giáo dục  trẻ cho ích lợi của  chính trẻ.

Giáo dục Hướng Đạo nhắm ích lợi cho chính trẻ.
Trẻ trở nên người con có hiếu, người lao động lành nghề và có lương tâm, hay một công dân tốt phục vụ cho đồng bào và khi cần hy sinh cho tổ quốc, là vì khi giáo dục được hoàn chỉnh, những ý hướng tốt đẹp về tha nhân về cộng đồng, là điều thiết yếu cho hạnh phúc của trẻ đã trưởng thành, nhưng giáo dục Hướng đạo, khác với những tổ chức thanh niên khác, không hướng mục có lợi cho một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái nào, kể cả phong trào Hướng đạo, mà trẻ có thể phục vụ khi thấy hợp với sở thích và khả năng của mình. Nguyên tắc trên thường bị hiểu lầm, Hướng Đạo được gán cho là khuyến khích cá nhân chủ nghĩa hay thái độ cường lương đối với cha mẹ, hay thầy giáo, hoặc cho là vô chính phủ. Thực tế thì quan niệm xem trẻ cũng là nhân vị, có giá trị riêng, có tự do riêng, và có trách nhiệm về số phận của mình, là một quan niệm khác lạ trong những xã hội có truyền thống   hay những chế độ toàn trị, xem cá nhân không đáng kể, tập thể mới quan trọng hơn, và cá nhân chỉ là một vật, một công cụ để tập thể sử dụng tùy nghi; một cá nhân phải hy sinh  mọi quyền con người, hy sinh hạnh phúc riêng của mình để chuyên lo quyền lợi tối cao của đoàn thể hay tập thể mà cá nhân là thành phần.
Tổ chức Hướng Đạo có đặc tính phi chính trị.
Phi chính trị, không có nghĩa như có một số người hiểu, hay gán cho, là vô chính phủ hay chống chính phủ, và cứ theo lập luận buồn cười ấy, còn là “khuynh đảo” nữa. Chưa bao giờ ở các nước trên thế giới có phong trào Hướng Đạo lại nghe thứ giải thích ấy, hay nhận thấy có những hiện tượng lạ lùng ấy; trái lại chính phủ những quốc gia ấy thường khuyến khích và tài trợ cho các đoàn thể hướng đạo, vì sự phát triển của chúng có ích lợi chung.
Tính cách phi chính trị của Hướng Đạo nghĩa là phong trào không thể hoạt động dưới chiêu bài của một đảng phái chính trị nào,  cũng không thể do một chính đảng lập ra để phục vụ, tuyên truyền, cổ động, đề cao đảng phái ấy. Trong truyền thống Hướng đạo, kể cả Hướng Đạo Việt Nam, một Trưởng Hướng Đạo có quyền cá nhân thuộc một đảng phái chính trị; nhưng khi điều khiển đoàn, Trưởng sẽ hoạt động như một trưởng Hướng Đạo thuần túy, vì theo lời hứa trung thành, Đoàn Trưởng không lợi  dụng vị trí mình để tuyên truyền cho chính đảng của mình (cũng như thầy giáo vào lớp học, không thể làm công việc chiêu mộ thêm đảng viên theo chính kiến của riêng mình). Khi thấy vì lẽ nầy lẽ khác, mình nên hoạt động chính trị hơn là làm Trưởng Hướng đạo, nếu còn biết điều (để khỏi nói là còn liêm sỉ) sẽ xin nghỉ, tạm thời hay vĩnh viễn, không nhận trách nhiệm nào trong Hướng Đạo nữa. (Thời “loạn danh” đã có người khoe khoang là chỉ vào Hướng Đạo  để “dò la cho Đảng”. Cái mà người tự trọng gọi là vô liêm sỉ  hay phi Hướng Đạo, ở chỗ khác lại trở thành một thành tích vẻ vang đầy “danh dự”)
Về tổ chức, một Hội Hướng Đạo trên thế giới, là một hội tư nhân, phi chính phủ (cũng như ta nghe nói có những xí nghiệp, hay tổ chức phi chính phủ), không có nghỉa là vô chính phủ, mà là hội có tánh cách độc lập (độc lập không có nghĩa là đối lập), không phải do chính phủ lập ra. Việc điều hành, hành chánh, tài chánh, tài sản,  nhân viên, là do hội hoàn toàn định đoạt , đảm nhận; không có sự can thiệp của chính phủ trong việc sử dụng hay tiếp nhận tài chánh, hay bổ nhiệm hoặc kiểm soát việc bổ nhiệm những hội đồng quản trị, bộ tổng ủy viên hay những trưởng đơn vị. Thể thức bổ nhiệm, định đoạt quyền hạn và nghĩa vụ, đều do Hội ấn định và thi hành, qua những kỳ họp định kỳ của Đại Hội Đồng, Ban Thường Vụ hay Bộ Tổng Ủy Viên,  chiếu theo những điều lệ và nội quy, những văn kiện pháp luật nầy khi ghi danh ký lập hội, có thể tuỳ theo quốc gia, nạp cho cơ quan hữu trách, hoặc được cơ quan chính phủ duyệt y trước khi thi hành. Tại những quốc gia có tự do hội họp, điều kiện sau không mấy nơi đòi hỏi.

Giáo dục Hướng Đạo lo cho từng trẻ một.
Đặc điểm nầy phân biệt những phong trào như Hướng Đạo với những phong trào huấn luyện tập thể thanh thiếu niên, mà số hội viên có thể lên hằng vạn hay hằng triệu.  Vì trong thật tế, Hướng Đạo không thể đào tạo đủ Trưởng để nghĩ đến việc phổ biến phương pháp giáo dục của mình cho tất cả  thanh thiếu niên một trường học, một quận huyện, nói chi cho  tất cả thanh thiếu niên của nước. Hướng Đạo như vậy, chấp nhận mình không phải là một phong trào quần chúng, và ích lợi của mình không phải là cho đại chúng (nếu những danh từ ấy được hiểu theo ý lượng số). Một trưởng đơn vị Hướng Đạo chỉ chịu trách nhiệm tối đa về 36 em Sói (nếu là Ấu Đoàn), 32 Thiếu Sinh (cho Thiếu Đoàn) hay 40 Tráng Sinh (một Tráng Đoàn). Nếu thử làm một bài tính cho 400.000 thanh thiếu niên của một thành phố lớn, hay một tỉnh, Hướng Đạo phải có 10.000 Trưởng, trong khi đó cả một Hội Hướng Đạo Trung Kỳ thời hưng thịnh, số trưởng đủ tư cách điều khiển đơn vị và được công nhận như thế không quá 100 người. (Con số ước đoán ấy có thể cao hơn nhiều con số thực tế; những tài liệu của Hội, nếu còn, có thể chứng minh hay đính chính điều ấy.) Một huấn luyện viên thể dục, với một cái tu-huýt và vài tiếng la, có thể  điều khiển một lần  một trăm vận động  viên, và với máy phóng thanh cực mạnh như ngày nay, có thể điều khiển hằng nghìn hằng vạn người làm những cử động ăn nhịp. Một trưởng Hướng Đạo điều khiển ba bốn mươi người, và trong thật tế nếu áp dụng đúng phép hằng đội chỉ chi phối trực tiếp bốn hay tám đoàn viên. Đưa chi tiết trên để cho thấy, một trưởng Hướng Đạo có dụng ý làm việc cho đảng phái, có giỏi lắm cũng không “ câu” được bao nhiêu đảng viên, mà trong chính trường của một nước dân chủ đại nghị, con số (nghĩa là  cử tri hay lá phiếu) mới quan trọng. Một tính toán sai lầm nữa, là khi tưởng “chiêu hồi” được một trưởng Hướng Đạo, thì “đàn em” của Trưởng ấy mặc nhiên cũng theo. Điều này không xảy ra trong thực tế vì lẽ trong phong trào Hướng Đạo, không tôn sùng lãnh tụ hay tôn thờ cá nhân. Những đoàn viên Hướng Đạo đều là tự nguyện, và được huấn luyện  về tánh khí, biết nói không khi mệnh lệnh hay đòi hỏi có vẻ “trái cẳng ngỗng” với tôn chỉ Hướng Đạo. Chúng ta cũng biết có những chính quyền trọng dụng những Trưởng Hướng đạo, nhưng chỉ vì những Trưởng ấy có tư cách đảm đương nhiệm vụ, không phải với tư cách Trưởng để lôi cuốn những đoàn viên thuộc hạ.
Những tráng sinh nào có đọc quyển The Jungle Book  của Ruydard Kipling, hay xem phim hoạt họa Cậu Bé Rừng Xanh của Walt Disney dựng theo quyển truyện trên, cũng nhớ “Trưởng” Gấu Baloo dạy Mowgli thế nào, và nhắc lại chúng ta bài về nguyên tắc giáo dục chính của Hướng Đạo (là dạy lợi ích cho trẻ vì lợi ích của trẻ). Mặc dầu Mowgli tha thiết muốn theo gương gấu và trở thành một gấu con để ở lại luôn trong rừng, Baloo nhất định từ chối, mặc dù ước vọng của cậu bé không khỏi làm cho Baloo hãnh diện về mình và giống gấu của mình, Baloo nhất quyết phải đưa Mowgli trở về làng, để sống với những người như Mowgli. Baloo dạy Mowgli triết lý và khả năng để bảo vệ sự sống, những gì cần thiết cho bất cứ con vật nào, nhưng  Mowgli áp dụng những điều đó để lớn lên từ “ thực tế của chính mình”, nghĩa là trở nên con người thể hiện được số phận của riêng mình.  Trong Hướng Đạo cũng thế, Trưởng không góp phần xây dựng trẻ, không phải để trẻ  trở thành “giống như mình”, “một giống với mình”, mà trở nên “người tự lập”, một “người tự lập vững mạnh hơn”, để trở về làng, nó có thể sống hay làm được gì tốt đẹp, đó là tự do của nó. Một thanh niên vào phong trào Hướng Đạo để có sự giúp đỡ để xây dựng mình, nhưng đến một tuổi nào đó (bấy lâu theo điều lệ là vào tuổi 25), Tráng Sinh  thu thập được gì hay không, cũng phải từ giã, trở về với đời sống con người trong xã hội bình thường. Ngoại trừ một số rất ít lưu lại phong trào để làm huynh trưởng, tự nguyện phục vụ những trẻ khác, trong một thời gian nhất định, mục đích của Tráng Đoàn không phải là giữ mãi những thanh niên làm “ tráng sinh” vĩnh viễn, như  Rừng Xanh đòi hỏi Mowgli mãi mãi theo Baloo, hay trở nên một Baloo khác, mà phải trở lại với đời của chính mình trong xã hội thật của mình . Ngụ ý của Kipling đã có ảnh hưởng nhiều đến quan niệm của Baden Powell khi thử nghiệm trò chơi Hướng Đạo thường không được lưu ý và áp dụng đúng mức.
Như vậy giáo dục Hướng Đạo trong thật tế chỉ có thể lo cho một số ít thanh thiếu niên, vì nguyên tắc của giáo dục ấy đòi hỏi Trưởng lo cho từng trẻ một, không theo một mẫu chung, có thể áp dụng cho bất cứ trẻ nào, mà dựa vào “ thực tại” thể xác, tính tình, trí tuệ… để giúp trẻ khá hơn, mỗi ngày mỗi khá hơn. Ngoài thành tích và tiến bộ nhất định để  một trẻ có thể tuyên lời hứa và mặc đồng phục Hướng Đạo, chương trình tu thân của trẻ rất đa dạng, và không bao giờ có tánh cách cưỡng chế qua hệ thống đẳng cấp và chuyên hiệu, Hướng Đạo Sinh được khuyến khích thử thách môi tiềm năng của mình.
Không có vấn đề kỳ thị
Hướng Đạo giáo dục trẻ theo những phương pháp với những mục tiêu nhất định; những ràng buộc về điều kiện sức khỏe, tu thân, hướng tâm linh. Tất nhiên, một số không ít trẻ  cảm thấy khó khăn sống theo một lý tưởng như vậy. Điều đó nhất định không có nghĩa là Hướng Đạo có tánh cách phân biệt đối xử. Từ trại đầu tiên ở đảo Brownsea (Anh Quốc), Huân Tước Baden  Powell, người sáng lập phong trào đã thử quy tụ những trẻ giai cấp xã hội khác nhau, và thấy những trẻ, dù cho có truyền thống nghèo giàu khác nhau cũng không bị ảnh hưởng của phong tục đương thời. Nhân đó, mới có điều luật thứ tư trong Luật Hướng Đạo chủ trương một Hướng Đạo Sinh là bạn của mọi người và anh em với những Hướng Đạo Sinh khác.
Hướng Đạo muốn đem đến cho rất nhiều trẻ lối sinh hoạt vui và ích của mình, nhưng không thể vì muốn có số đông, mà phải hạ thấp những tiêu chuẩn vốn có để vừa lòng tất cả mọi người, nhất là không thể bỏ bớt một vài điều trong Luật hay Lời Hứa, cũng như về phương pháp hay mục đích. Điều càng không thể chấp nhận và thực hiện được, nếu như  phong trào vẫn muốn dùng nhãn hiệu Scouting  hay Hướng Đạo, là kết hợp trong cùng một đoàn hay một Hội, những hướng tâm linh với duy vật, hay  hướng tha nhân với hướng vị kỷ, hay hướng tu thân với hướng tự do sinh sống, hay xóa bỏ mục tiêu giáo dục mà chỉ chú trọng đến phần  giải trí, vân vân.

Nói thêm một chút về binh đẳng
Trẻ nào cũng có quyền như nhau, nhưng không trẻ nào giống trẻ nào. Một quan niệm sai lầm và cũng đang còn tồn tại trong công luận là quan niệm  bình đẳng. Có thứ bình đẳng hóa ở bậc dưới (như chúng ta đã nói rồi), cũng có ý nghỉ bình đẳng hóa ở trên cao, đây là một đường hướng cho sự phát triển con người.  Nhưng vào thời của Schoelcher, người đã chết cho bình đẳng, cũng như thời Calliclès, mà không biết bình đẳng là cái gì. Bình đẳng là một khái niệm hữu thể luận và pháp luật. Nó chẳng có giá trị khoa học, hay ít ra người ta cũng không tìm ra một diễn tả khoa học đúng đắn nào về bình đẳng giửa những con người.  Trái lại, các khoa học càng ngày càng không thích nói đến chuyện bình đẳng ấy. Thời mà người ta phân biệt dễ dàng hồn với xác, khi không biết gì mấy về cơ thể, càng dễ nói đến hơn. Ngày nay những nhà khoa học  bắt đầu biết ít nhiều về cơ thể, nhưng ngoài ra chưa biết gì khác. Mà cái biết ấy không phân chia đồng đều cho những con người. “Có người cao người thấp, có  người mập người gầy, có người mạnh người yếu.” Nếu muốn bình quân hoá hay bình đẳng hóa, thì sự bất bình đẳng  về sinh vật học sẽ  ngăn chận. Cần gì đưa lượt cho người trọc đầu, hay cần gì máy truyền hình cho người mù ? Dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, những tật nguyền và những bất bình thường sinh lý làm nên toàn thể cá nhân. Thái độ cho đến tuổi thọ cũng đã được những gien ấn định trước rồi. Mà vốn di truyền đâu có đồng đều giữa những người.
Người ta thường nghĩ đến bình đẳng như nói đến một sự bày đặt pháp lý, như cho bao nhiêu, 18, 21, đúng mười hai giờ khuya, là tuổi trưởng thành, về điểm nầy, mỗi nước lại có ý khác nhau.  Vậy có nên thử sắp chuyện bình đẳng giữa những con người như là một trong những chuyện bịa đặt tư pháp, Có người sẽ la lên; không chỉ có Luật, mà mọi người đều tin như vậy, mặc dù biết là những thể xác và những tinh thần chẳng ngang nhau chút nào. Không có những ý tưởng nào như ý bình đẳng mà có nhiều bậc thánh, nhà thần thị, những tử vì đạo (trừ ra ý tưởng tự do thường hay lẫn lộn với ý bình đẳng trong phạm vi pháp lý về khả năng)
Aurel David phỏng đoán rằng một nhà hiền triết từ trên Sao Hỏa xuống, không có những tập quán của những người Tây phương, có thể nói : “Vì các ông nghĩ là những con người bình đẳng, vì cái vùng M, cơ thể, một phần tinh thần, những của cải do máy làm ra, vân vân.. là bất bình đẳng. Là vì con người ở  nơi khác, nơi cái vùng A chẳng phải là thể xác, chẳng phải là tinh thần nô lệ hóa, chẳng phải của cải. Chỉ còn phần còn lại nầy sẽ đồng nhất từ cá nhân nầy qua cá nhân khác.  Và vì chỉ chừng đó đủ cho các ông lập bình đẳng giữa những con người, thì phần A còn lại chỉ mới là nhân tính và làm thành toàn thể con người. Các ông thú nhận không biết con người trong toàn thể. Như vậy nó có thể chứa một thành phần A chủ yếu và đến nay chưa được biết, đồng nhất nơi mọi cá nhân.”
Những bất bình đẳng vật lý hay tri thức có khi quan trọng đến nỗi Luật không thể nhắm mắt lại trước chúng. Thật sự có những nhân vị “ nhỏ hơn” mà tài sản thể xác không đầy đủ hay ở trong tình trạng không tốt. Chúng làm thành giai cấp pháp lý của hạng bất lực: Dưới tuổi trưởng thành, điên khùng, tội phạm.  Vấn đề thiếu khả năng của người nước ngoài, hay phụ nữ, hay nô lệ thuộc một loại ý tưởng khác,đó chẳng qua là sự áp bức của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, của đám đông đối với kẻ lẻ loi, không phải là một sự bất bình đẳng theo định chế.
Nhưng nơi trẻ con và những người điên khùng, bất bình đẳng sinh lý có rõ ràng. Đó có phải là giai cấp hay chủng tộc thấp kém “nhỏ hơn” không ?  Vì chính nơi đó mới thấy bất bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhân cách pháp lý chỉ là một giá áo nơi đó người ta móc những quyền. Vì tư cách của những kẻ bất lực cho phép móc ít quyền, cái giá áo phải nhỏ hơn. Người ta không thể cho một đứa trẻ phép lái xe hơi, cho một bệnh nhân tim mạch lái máy bay, hay để cho một người  i-tờ kiểm phiếu bầu cử hay lo về kinh tế quốc gia.

Tóm tắt
Nói tóm lại,  phong trào Hướng Đạo Thế Giới – tồn tại đã gần một thế kỷ nay – có tham vọng đóng góp vào công việc xây dựng  những thế hệ mai sau, trong một tinh thần lạc quan yêu đời, chuẩn bị trẻ về mọi phương diện: Thể xác, tri thức, nghề nghiệp, tinh thần, để trẻ có thể trở nên những người hữu ích cho cộng đồng, từ những cộng đồng nhỏ bé, như gia đình, làng mạc, cho đến những cộng đồng rộng lớn như quốc gia đất nước, hay thế giới, tùy theo khả năng đích thực của các thanh thiếu niên nay đã trưởng thành và tùy theo những cơ hội quý giá  mà những cộng đồng hiến cho những con người đã  được xây dựng trong tinh thần  giúp ích vô vụ lợi,  với ý thức trách nhiệm cao về nhiệm vụ,  và ý chí sắp đặt cuộc đời theo những giá trị cao cả nhất.

CÂU CHUYỆN NGÀNH TRÁNG – Cung Giũ Nguyên

HƯỚNG NHÂN VỊ
LÝ TƯỞNG TU THÂN VÀ GIÚP ÍCH
1 – Ý niệm về nhân vị
Phong trào Hướng Đạo là một giáo dục hướng đến nhân vị. Nhân vị là gì ? Từ ấy hoặc có vẻ mới, hoặc gây ra nhiều tranh cãi.  Nhân vị có phải là cái “TA” mà Pascal cho là “khả ố” không ?  Trong ngôn ngữ thông thường khi nói đến một người có tánh cách rất riêng tư, có phải là ta chê trách người ấy xa lánh người khác không. Như vậy xây dựng nhân cách con người cho ra hồn, hay con người cho có tư cách,  một nhân vị đầy đủ, có phải là hàm chỉ việc xây dựng ấy đã làm xa lánh tha nhân. ngụ ý một thứ vị kỷ nào đó, vì người chỉ nghĩ đến mình trước, hay chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Giúp trẻ, trong phong trào Hướng đạo, cho trẻ trở thành một nhân vị, có phải là một khuyến khích cho sự đề cao mình, nghỉ đến “ quyền lợi “của mình mà không còn biết gì nữa. Chúng ta biết những nhận định hay phê phán như vậy quả là vội vả và không dúng.
Ta thử đặt ngược lại vấn đề: Khi ta nói người nào đó chẳng có chút tư cách, có phải là chúng ta đã phê phán thiếu sót của người ấy không ? Những vị anh hùng, những bậc thánh có phải là hạng người có tư cách, hay phẩm cách đang ca ngợi không ? Chẳng có gì cao cả được xây dựng trên đời nếu không có những con người, nói TÔI,  bám vào một chân lý, tin tưởng vào đó, và hoàn thành nhiệm vụ của mình.  Trái với Pascal, Thánh Thomas nói: Con người (nhân vị) là cái gì cao cả nhất và hoàn hảo nhất trong thiên nhiên.
Có mâu thuẫn không giữa hai quan niệm ấy?  Điều đó có nghĩa là con người ở giữa hai cực: Một cực vật chất thật ra không liên quan gì đến nhân cách đích thực, mà chỉ là cái bóng của nhân cách, và một cực tinh thần liên quan đến nhân cách đích thực. Chính nơi cực vật chất, nơi cái bóng của nhân cách mới liên quan câu của Pascal, và từ nhân vị dùng nơi đó sẽ là sai, cái TA chỉ có thể hiểu như là  cá nhân. Cái  Ta  đáng ghét hay cá thể vật chất, là thứ ham sống liên quan đến vật chất ??? Tuy nhiên, cái ích kỷ tệ hại nhất có thể là thứ ích kỷ của tinh thần, khi nó trở nên bè phái hẹp hòi hay cuồng tín, chỉ muốn có lý với bất cứ giá nào hay luận cứ nào, kể cả nói gian, nói dối.

Cái gì hình thành con người?
Người là một toàn thể tự nhiên có thể xác và có tinh thần, và khi theo luật của xác thịt hay luật tinh thần, thì tất cả người chứ không chỉ một phần là quy thuận. Con người là một  phức hợp lạ lùng gồm vật chất và một hồn, hồn nầy  có khả năng sống và hành động vượt lên trên vật chất và thời gian. Không thể nghĩ là nhân vị và cá nhân là hai điều khác nhau. Nơi ta không có một thực tại gọi là cá nhân tôi và một gọi là nhân vị tôi.  Cũng sai lầm khi nghĩ là cái  cá tính vật chất hay cái bóng của nhân cách là điều tự nó nhất định xấu. Đó là điều tốt vì là điều kiện của cuộc sống của ta, và khi nó tùy thuộc nhân cách, nếu xấu chăng, là khi  trong hành động, ta cho khía cạnh ấy của hữu thể ta ưu vị.

Tại sao con người là một nhân vị ?
Người phải là một nhân vị, là do lập hữu của một tinh thần nhập thể,  lập hữu của hồn tinh thần từ bên trong thân thể con người. Nhân cách một con người thâm nhập mỗi tế bào, mỗi yếu tố tổ chức của thể xác, chừng nào thể xác nầy còn sống.  Và nếu có được điều gọi là nhân cách, là nhờ  con người có khả năng biết và yêu, tự biết mình và yêu mình, và do đó con người ở trong mình, tha thiết với chính mình qua trí tuệ và tình thương.  Chỉ vì tôi là một nhân vị, tôi giữ mình, tôi tự biết tôi, tôi suy nghĩ về tôi, về những căn nguyên các hành vi tôi, và tôi tự cư xử.
Nói như các triết gia, nhân cách là lập hữu của một hữu thể có khả năng suy nghĩ, yêu thương và tự quyết định về cứu cánh của các hành động mình, và do đó, khác với cây cối hay thú vật, đã vượt ngưỡng cửa độc lập đúng nghĩa. Đó là điều khiến một số người, thông minh và tự do, sống như là một toàn thể độc lập, hay độc lập ít hay nhiều, trong toàn thể rộng lớn hơn của vũ trụ và trước toàn thể siêu việt, là Thượng Đế.
Tánh cách cơ bản của nhân cách, là độc lập trong sinh tồn, và do đó, chỉ tùy thuộc nơi mình, và nơi Thượng Đế, trong phạm vi hành động. Những sinh vật khác con người, động vật, thực vật, những phân tử của thể không sống,  bị giam cầm trong tất định chế ngự thế giới thể xác, đều là những vật, những mảnh, trong thế gian. Con người, trái lại, vì có được lý trí  vượt lên trên những hiện tượng cảm giác để đạt hữu thể và vượt quá thế giới vật chất, có thể trở lại suy nghĩ về những hành vi , phán đoán  của mình, có thể thoát khỏi những sự kích thích, ám thị của nhạy cảm, tìm ra những duyên cớ cao hơn và đưa vào trong đời một chuỗi sự việc  không hẵn là do những gì có trước. Con người, nếu biết muốn, có thể đóng một vai trò trong đời, con người là một nhân vị.
Từ  nhân vị,  tiếng Pháp là  personne. Từ nầy là do tiếng latin persona trước tiên có nghĩa là “mặt nạ”,  mặt nạ được những diễn viên bi kịch hay hài kịch cổ xưa dùng. Vì những mặt nạ ấy tiêu biểu những nhân vật mà diễn viên thủ vai, người quen gọi những người khác cũng là những  personnes, khác nhau không phải nhờ mặt nạ, mà vì một khuôn mặt riêng biệt, và hành động trên sân khấu của đời, và cả trong việc cai quản Thiên Hựu; những người có thể yêu Thượng Đế một cách tự do, và cũng có thể chống lại Thượng Đế một cách tự do.
Theo nghĩa đó, có thể nói một  nhân vị   là một vũ trụ có bản chất tinh thần, có tự do ý chí , và làm thành một toàn thể riêng biệt hay đôc lập. Thiên nhiên, hay chính quyền không thể động đến vũ trụ ấy nếu không được phép. Ngay cả Thượng Đế, có hành động từ bên trong con người, cũng hành động một cách đặc biệt, với tất cả tế nhị, cho thấy Thượng Đế xem con người là thế nào, vì trọng tự do của con người tuy Thượng Đế vẫn có trong con người; Thượng Đế yêu cầu, Thượng Đế chẳng bao giờ bắt buộc.
Tóm lại, điều có trong nhân cách con người không chỉ là, như những thụ tạo khác có hình ảnh chung của Thượng Đế, nhưng lại còn giống riêng hình ảnh Thượng Đế, vì Thượng Đế là tinh thần, và nhân vị do đó mà ra khi có như nguyên lý sinh sống, một hồn  tinh thần có khả năng biết và yêu, và nhờ ân sủng được nâng lên tham dự cuộc sống của Thượng Đế, để biết và yêu Thượng Đế.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
CÂU CHUYỆN NGÀNH TRÁNG – Cung Giũ Nguyên

Nhân vị không phải là một toàn thể đóng kín
Nhân vị là một toàn thể, một vũ trụ tinh thần. Vì là duy linh, một vũ trụ như thế không thể đóng kín, thu gọn nơi mình, mà cởi mở , đòi hỏi những chuyển thông của trí tuệ và tình thương.  Trước tiên là mở cho Thượng Đế. Nhân vị sinh ra cho Thượng Đế cũng như cho cái hay của chính con người, nhân vị là tương đối đối với tuyệt đối trong đó con người có  viên mãn riêng của mình, yêu cầu đối thoại với Thượng Đế. Tổ quốc tinh thần của nhân vị là tất cả những của cải có một giá trị tuyệt đối: Chân, mỹ, thiện, công lý, cái vui của khôn ngoan mà mọi hiểu biết hướng về, hiến dâng trọn vẹn tình thương hướng về, khi tinh thần đã tự dấn thân.
Do bản tính hướng thượng, hướng về trật tự siêu nhiên, đến mức tối cao, cùng với những nhân vị thần linh, mà con người, như là nhân vị, ao ước vào cộng đồng. Con người cũng hướng về những nhân vị khác, những con người khác. Vì tôi là một nhân vị, tôi ao ước chuyển thông với những người khác trong phạm vi trí tuệ và tình thương. Chủ yếu của nhân vị là hướng về.

Tính cách xã hội của nhân vị
Cần nhấn mạnh đến một điểm thường hiểu sai, là chính nhân vị , vì thể giá cũng như vì nhu  cầu, xin trở nên thành viên của một xã hội. Những quần thể thú vật được gọi một cách lạm dụng danh từ, là  xã hội. Chỉ có xã hội con người, xã hội những nhân vị.
Tại sao người lại muốn sống trong xã hội ?  Vì nhu cầu, trước là nhu cầu vật chất. sau là nhu cầu tình cảm, nhu cầu tinh thần. Người cần đến xã hội trần tục về cuộc đời thế gian, cần đến xã hội siêu nhiên  về sự sống đời đời. Xét về khía cạnh nghèo nàn thiếu thốn của con bgười,  nhân vị cần gia kết vào một đoàn thể chuyển thông xã hội để có thể sống đầy đủ và phát huy đời sống.  Xã hội cung cấp cho người những điều kiện sinh tồn và những phát triển mà con người cần đến.  Một mình con người không thể đạt đến cảnh sung mãn, con người cần đến xã hội để thỏa mãn những nhu cầu trọng yếu.   
Nói nhu cầu vật chất, không chỉ nói đến cơm áo, chổ ẩn náu, còn có sự giúp đỡ trong công việc lý trí và đức hạnh, điều đáp ứng  tánh cách đạc biệt của con người. Để đạt đến một trình độ  cao trong hiểu biết cũng như trong đời sống đạo lý, con người cần được giáo dục và sự giúp đở của người đồng loại.

Ích lợi công cộng
Không thể nói mục đích các xã hội là cái lợi cá nhân cho tất cả mọi người, hay là xã hội lo tôn trọng cá nhân mỗi người. Mới nghe nói thì hay, trong thật tế, xã hội cũng bênh vực tự do của kẽ mạnh ăn hiếp kẽ yếu hay tự do của những hạng bất lương khác. Mục đích xã hội là tìm cái cho xã hội, cho đoàn thể những người hình thành xã hội.  Nhưng nếu quên điều nói sau, nếu quên xã hội là một tập hợp của những nhân vị, mà xã hội chỉ là một thực thể trừu tương, thì xã hội ấy lâm vào những sai lầm của chính sách tập thể chung chung, phục vụ cho tất cả, đại đa số quần chúng, cho toàn thể quốc dân đồng bào, mà trong thật tế, không phục cho ai, trừ thiểu số nắm quyền trong tay và có độc quyền nói lên những hứa hẹn tốt đẹp hay không tưởng,  Cứu cánh của xã hội là mưu ích lơiï chung của toàn thể, trong đó con người thật sự đạt đến mức độc lập phù hợp với tình trạng người văn minh, bảo đảm cho các nhân vị những bảo đảm kinh tế về lao động và tư hữu, những quyền chính trị, sự mở mang tinh thần, những quyền căn bản của con người tự do và bình đẳng như mọi người khác.

Nghịch lý của đời sống xã hội
Trong tất cả các xã hội, cá nhân luôn luôn bị nhiều ràng buộc, chấp nhận nhiều bổn phận. Về nguyên thủy, con người đã là thành viên của những nhóm xã hội khác nhau hơn là được xem như một cá thể. Chính trong những nhóm, những cộng đồng ấy, tôn giáo, gia đình, kinh tế, chính trị, mới có nhân cách tinh thần, nghĩa là người có bổn phận đối với những cộng đồng ấy hơn là có bổn phận đối với bản thân. Phải chịu nhiều bổn phận, con người chẳng nghe nói đến quyền lợi cá nhân.  Nhân phẩm con người là một chinh phục của tiến hóa xã hội,  và đến ngày nay, tại nhiều nước, việc tranh đấu để đòi quyền con người vẫn là một vấn đề  thời sự.

Bổn phận
Tất cả những chức năng trước kia thuộc trách nhiệm của các nhóm xã hội: Gia đình, nghiệp hội, giai cấp, nay cá nhân lãnh chịu. Dù cho lập gia đình, chọn một nghề nghiệp, tham gia tích cực trong đời sống kinh tế hay chính trị, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Người hiện đại như thế chịu những ràng buộc mà người của những xã hội thượng cổ không cần biết. Như vậy, khi ý thức được về những bổn phận của mình, con người cũng ý thức được vai trò giá trị của mình như là cá thể.
Sự nới rộng những cộng đồng, việc khuyến khích phổ quát hóa những giá trị đạo đức, dẫn đến một thứ kết quả như vậy. Ý thức về thể giá riêng tư là ý thức mình có một giá trị riêng rẽ, không dính líu với những nhóm xã hội bất luận địa vị người có trong những nhóm ấy, bất luận tiền của, hay địa vị xã hội, mà chỉ vì mình là con người, một hữu thể có tư tưởngvà có lý trí.
Nhân phẩm, công nhận như vậy, trở thành đối tượng của những ràng buộc: Cá nhân có những bổn phận đối với bản thân.

Bổn phận phải sống
Bổn phận đầu tiên, là bảo vệ tính mạng, bổn phận phải sống. Có người đặt ngược lại vấn đề để phản bác quyền tự sát, vì đó là thể hiện tự do tuyệt đối của con người như cá thể. Phần lớn xã hội không chấp nhận quyền ấy, và có những luật trừng phạt gắt gao những trường hợp tự sát, với lẽ làm thế là chống lại những truyền thống đã có và bất chấp những ràng buộc xã hội. Người tự sát đã trốn tránh những nghĩa vị đối với gia đình, nghề nghiệp, tổ quốc, vân vân… Nhưng tự sát không chỉ vi phạm bổn phận đối với xã hội, mà còn là sự trốn tránh những nghĩa vụ đối với bản thân. Đời sống đạo lý bao hàm nguyên lý cơ bản, là ý chí sống còn, sự chấp nhận can đảm cuộc sống với tất cả gánh nặng và ràng buộc.

Đời sống thể xác và đời sống tinh thần
Con người không chỉ có bổn phận sống, Người còn có bổn phận sống cuộc đời thật sự ra người, nghĩa là một mặt, giải thoát khỏi những cưỡng chế của đời thể xác, mặc khác phải thoả mản những đòi hỏi của đời sống xã hội.
Khổ hạnh – Những xã hội nguyên thủy, vì những lý do khác, ý thức về cần thiết chống lại những tất định về thể xác và những khuynh hướng của tính nhục dục. Đạo lý của họ thường có nét rõ ràng về khổ hạnh. Những dân trong các xã hội ấy buộc phải kiêng cử, nhịn thèm, nhiều thứ, nhiều khổ chế, có khi phải cắt thiến. Những lễ truyền thụ các thanh niên kèm theo nhiều thử thách khó khăn có khi thành những hành hạ tra tấn : cấm ngủ, nhịn ăn, bị roi gậy đập trên đầu, nhổ lông, rạch thịt, nhổ răng, cắt bì, lấy mắt, cho kiến độc cắn, xông khói, treo thân hình với những móc cắm trong thịt, thử thách bằng lửa, v.v.  Trong những xã hội sơ khai ấy, những chức năng tình dục được bao trùm với một thứ thần nhiệm khi thì trở thành một sự thờ phụng, khi thì xem yếu tính đã là ô uế.
Phần lớn những chủ thuyết đạo đức, tôn giáo hay triết lý còn giữ một phần nào thái độ nghi kỵ đối với cuộc sống tự nhiên.  Tất cả tôn giáo đều có phải khổ tu của họ. Thiên Chúa Giáo tuyên bố nên chết về đời thể xác để được cứu rỗi linh hồn. Đạo đã tôn vinh không những khiết tịnh (chasteté), mà còn khiết trinh (virginité), và đặt độc trinh ở bậc cao hơn hôn phối. Nhiều nhà triết gia cũng xem thể xác là nhà giam của tâm hồn, thể xác, vì bản chất, là một chướng ngại cho đời sống đạo lý và trí tuệ, một nguồn gốc của hư hỏng và sai lầm, và hình như theo họ, khoái lạc là một tội ác, và đau khổ là điều thiện.
Chủ nghĩa khoái lạc –  Nghịch với thuyết khổ hành, là thuyết chủ trương khoái lạc, và cũng vì phản ứng thuyết nầy, có người chủ trương phục hồi cuộc sống của thể xác. Ngay từ thời Cổ đại, có nhà tư tưởng đã xem khoái lạc là  thiện hảo tối thượng (souverain bien), khoái lạc thể xác là căn nguyên và điều kiện của những thứ thiện khác.  Nhưng họ cũng giữ lại những quyền của trí tuệ và dành một chỗ lớn cho những khoái lạc tinh thần. Vào những thời cận đại, không thiếu những nhà tư tưởng, trong số có những nhà lảng man,  rao giảng việc phục hồi xác thịt và những đam mê tính dục. Frédéric Nietzsche đã tuyên bố cần thiết có một “ chuyển biến các giá trị”, thay thế những “ đức hạnh của nô lệ” , như là khiết tịnh, điều độ, những đức hạnh thích  hợp cho những “ chủ”. “ Chúng ta ta hãy khuyên những kẻ mạnh, ba điều nầy đã bị nguyền rủa và vu cáo nhiều nhất cho đến nay, đó là khoái sản, ao ước chế ngự, ích kỷ”.
Hai thuyết cũng đều sai : Chẳng có lý do nào để lên án thể xác, để xem đó là một nguyên lý dơ bẩn và hư hỏng, cũng không thể xem bất cứ khoái lạc nào cũng là đáng nghi ngờ đứng về phương diện đạo đức.
Về điểm nầy, tư tưởng ngày nay đã không còn đề cao những thành kiến của thuyết khổ hạnh, và trở về một nhận định lành mạnh gần khôn ngoan thời cổ đại hơn: Phát triển thể dục; quan tâm, cả về mặt đạo đức, đến những luật vệ sinh, đến một cuộc sống vật chất thoải mái, đó là những triệu chứng tốt. Thay vì khinh thị thể xác người phải ý thức phải có bổn phận đối với nó. Không những ngày nay ta không thể chấp nhận đời sống tinh thần hoàn toàn biệt lập với tình trạng của thể xác, ta ý thức được là cơ thể lành mạnh là điều kiện có trí tuệ thật trong sáng, một ý chí vững chắc, một nhạy cảm cân đối. Ta cũng bắt đầu nhận thức rằng kính trọng thể xác cũng là một trong những yếu tố của tự trọng; quả là quá biếng nhác, hay bệnh hoạn, mới đi đến kết luận ngụy biện , và làm thành một nguyên tắc của đời sống, là  vì việc tu luyện để trở thành người hoàn thiện hay thánh thiện, nên chẳng cần tắm rửa gì  nữa !
Mặt khác, quả là phi lý khi xem một chức năng tự nhiên, dù là loại nào, lại có yếu tình không thanh khiết, ta cũng biết là nơi con người có những bản năng, chính là vì chúng là những bản năng trước tiên, có tánh cách hung bạo và nếu buông thả , sẽ ngăn cản sự phát triển những khuynh hướng cấp cao hơn. Nên quan tâm duy nhất sống hoàn toàn tự do, theo bản năng, theo ham muốn khoái lạc, chỉ đưa lại kết quả nghịch lại, là con người chỉ gặp thất vọng và chán chường. Thắng mình, chế ngự  những bản năng tầm thường, cũng là một bổn phận, một điều kiện tiến hóa loài người đã áp đặt để con người vượt lên được thời kỳ động vật của mình. Điều đạo lý đòi hỏi nơi con người, không phải là loại bỏ bản tính người. Pacal  có câu lừng danh : “ Con người chẳng phải thiên thần, chẳng phải thú vật, khốn khổ là kẻ nào muốn làm thiên thần, lại làm thú vật”.Điều đạo lý đòi hỏi, là một qui luật , thường là một qui luật nghiêm khắc, trong đời sống  vật lý, đó là điều kiện để cho đời sống thể xác thay vì làm chướng ngại cho đời sống tinh thần có thể gia kết trong đời nầy và được nâng cao lên, từ bản chất và vị kỷ, lên đến cuộc sống đạo lý và nhân bản.
Sống như một nhân vị, là tự giải thoát, không những khỏi những tất định vật lý, mà cũng khỏi một số khía cảnh của đời sống xã hội. Thực tế, trong nhiều xã hội ngày nay, nhân vị bị chà đạp, con người ở nơi bậc thấp nhất của nhân cách,  thiếu thốn và đói khổ. Mặt khác, xã hội, đời sống xã hội không thể tồn tại nếu trong xã hội ấy thiều tình thương, là một điều chủ yếu là riêng tư, đi từ người đến người, không thể đi từ một định chế, những quan hệ tốt nhất trong xã hội , lắm khi cũng chưa có, như công lý, vì công lý đo lường nơi sự vật và không quan tâm gì đến những nhân vị.
Đặc tánh của nhân vị
Ý niệm về nhân vị, thật ra, là từ Thiên Chúa Giáo mà có. Hướng dạo của Baden Powell cũng dựa nơi  tinh thần Kitô Giáo. Vì thế nói đến nhân vị, không thể nói về con người như Kitô Giáo quan niệm. Cần nên lưu ý là khi các triết gia (như Mounier ở Pháp) dựng lên “thuyết nhân vị hay chủ nghĩa nhân vị” (personnalisme), không nên lầm lẫn thuyết hay triết lý đó với Kitô Giáo, một tôn giáo có một tổ chức xã hội, mà chủ thuyết trình bày một cách duy lý làm thành “thần học”, trong khi thuyết nhân vị chỉ là một triết lý có tinh thần Thiên Chúa Giáo.  Thuyết ấy cũng không phải là thuyết của một người sáng lập (như thuyết của Marx, hay  của Kant, hay của Khổng Tử), mà có thể xem như là một trào lưu tư tưởng có nhiều nét rất rõ ràng.
Nhân vị là ý thức; đồng thời nơi ta, do ta và cho ta
Ý thức được về mình, ta tìm nơi ta những tư tưởng, tình cảm. kỷ niệm, những quyết định tự ý, v.v. Đó là những sự việc ý thức  khác nhau, và cũng khác đối với những sự việc chung quanh ta. Những sự việc, đối với ta, là những đối tượng, điều đặt ra ngoài, trước mắt ta. Trái lại, hữu thể của ý thức ta là hữu thể nơi ta, tự tại (en soi ), và cho ta (pour soi ), không thể thấy, rờ mó được. Ví dụ ý giận thù tôi có đối với một người láng giềng, mà tôi che dấu, không để tiết lộ ra ngoài, chẳng ai biết được, chỉ hiện thực đối với tôi, và người kia không thể biết. Người ta có thể giải phẩu một bộ não, tìm tòi trong những thành phần, chi tiết bộ não, chẳng bao giờ nhà phẫu thuật tìm ra được dấu vết của một ý tưởng hay một tình cảm.
Nhân vị, khi xuất hiện cho chính mình như là một ý thức, là hữu thể che dấu, hữu thể bí mật, có mặt nạ (persona). Là bí mật, nhân vị không hiện hữu đối với người khác, nhân vị chỉ có cho mình, như là ý thức về mình mà thôi.
Nhân vị còn là hữu thể  do ta (par soi). Những ngoại vật trình bày trước mắt ta như những kết tinh trong nhất thời của sự tất định phổ quát. Ví dụ tảng  đá trên con đường núi cho nó hình dạng hiện nay. Trái lại, như Berdiaeff nói : “Nhân vị không phải là một đứa con của thế gian nầy; về cơ bản nhân vị là một “ tôi“ thình lình xuất hiện như một khởi đầu hoàn toàn mới ở một điểm và vào một lúc nhất định của sự biến chuyển thế gian. Một người sinh ra khi nói “  tôi “, không chỉ là sự tiếp nối, một sự kéo dài của hữu thể bố mẹ; đó là một nhân vị mới, và tất cả gì người chịu đựng hay thực hiện được, sẽ xẩy ra như có nguồn gốc, và nâng đỡ trong đời cái  tôi  mà nơi đó con người xác định mình.”
Vừa là nơi ta, do ta và cho ta, nhân vị là một hữu thể riêng biệt đối với sự vật, và phải được kính nể. Dựa vào trực giác đầu tiên ấy về nhân vị, có người xem thuyết nhân vị chỉ là một thứ cá nhân chủ nghĩa (individualisme); người ý thức nhân vị sẽ là người lập dị, chống lại chung quanh, chỉ lo cho mình, chỉ để ý đến mình. Nhận định như thế là sai  : nhân vị không chỉ có thế.
Theo Bergson, những vật thể chủ yếu là có không gian, gồm những phần không mật thiết với nhau; trái lại ý thức, là không phải  vật chất, thuộc thời gian ; ý thức trường kỳ, ý thức biến hành ; mọi ý tưởng, mọi tình cảm chỉ có lúc biến đổi trong không gian. Trình bày như thế, sự đối nghịch giữa thể xác và ý thức đã được đơn giản hóa quá đáng, vì ý thức vẫn có một chiều không gian, nó có quan hệ với đời, nó nhập trong thể xác, mà thể xác có chiều thời gian, thể xác biến đổi. Như vậy quả đất có lịch sử của nó.
Sự thật, khác biệt là nơi nội tính và ngoại tính. Thể xác đã được ngoại tính trong không gian lẫn thời gian, nghĩa là không những thành phần làm nên chúng trong hiện tại mà cả trong những giai đoạn liên tiếp của kỳ gian (durée) của chúng, cũng là ngoại giới đối với nhau; một vật thể ở mỗi lúc vẫn là như nó có lúc ấy, chẳng có gì trong dĩ vãng của nó còn lưu lại. Trái lại ý thức là nội giới đối với nó trong thời gian và không gian; những giai đọan liên tiếp thâm nhập nhau, thành ra dĩ vãng của nó vẫn còn
trong hiện tại, kết nạp lần hồi những gì thu thập được với thời gian. Theo Bergson, đó là sự kiện đủ phản đối chủ thuyết duy vật. Nhờ trí nhớ ta giữ được những dấu vết của dĩ vãng, ta có thể nhắc lại sự việc đã qua, v.v.
Ý thức riêng tư như vậy có một cấu trúc thời gian phức tạp gồm ba chiều (quá khứ, hiện tại, tương lai) mà được linh động bởi  cùng một mạch sống. Thật vậy, dĩ vãng ta không rơi vào hư vô, nhưng nó không thành vật trơ ( inerte ), nó nằm nơi hai chiều, ta đồng thời có thể từ bỏ nó và nắm lại nó. Ta từ bỏ để đi đến một hiện tại mới, ta nắm lại để dựa vào nó, để được nó hướng dẫn, vì người ta thường hiểu biết được và hành động là nhờ  kinh nghiệm dĩ vãng của mình mà thôi. Một thứ cấu trúc cơ động như vậy cũng nằm trên đường tương lai, vì đồng thời, nhờ dĩ vãng ta dựng lên những dự phóng mà ta đẩy ra trước và ta lấy lại để sống những dự định ấy và làm nên thứ dĩ vãng khác. Hiện tại hình như là không gì cả, một điểm không kích thước, nơi đó tương lai trôi đi trong dĩ vãng, nhưng mặt khác hiện tại là tất cả. Phải chăng chính trong hiện tại mà nhân vị hiện hữu, và mọi sự gặp gỡ, vì chính trong hiện tại ý thức tiếp xúc với đời và từ hiện tại mà ta làm ra quá khứ và tương lai ta. Như thế, hiện tại của nhân vị xuất hiện như là một tiếp giao giữa vĩnh cửu với thời gian. Berdiaeff viết: “Nhân vị là cái bất di trong điều mãi thay đổi; nhận vị là sự hợp nhất trong đa phức. Nhân vị không tiêu biểu một tình trạng đọng lại; nhân vị tự minh thị, tự phát triển, tự trở nên phong phú, nhưng sự phát triển của nhân vị là sự phát triển của một con người mà thôi; con người, dù sao, vẫn là thường trực, và không ngớt vẫn là mình.”

Nhân vị là thể-trong-đời..
Theo thuyết hiện sinh, nhân vị là trong thế gian, một chủ thể chỉ có nhờ quan hệ với khách thể, bất cứ hiểu biết, hay tình yêu hay ghét thù nào cũng đòi hỏi một đối tượng. Sartre nói: “Cuối cùng, mọi sự ở ngoài ta, tất cả, kể cả chúng ta; ở ngoài, ngoài đời, giữa những con người khác. Không phải nơi một chổ ẩn dật nào mà chúng ta tìm ra chúng ta, mà trên đường cái, trong thành phố, giữa đám đông, như là vật giữa những vật, người giữa những người.”
Thuyết nhân vị công nhận khía cạnh ấy của nhân vị.  Qua tất cả những quyền năng của mình, nhân vị quan hệ với bên ngoài; nhân vị là trung tâm của một mạng quan hệ nhờ đó mà nhân vị kéo dài trong thế gian và lớn lên với tầm vóc thế gian. Khi ta nhìn một  ngôi sao trên bầu trời, không chỉ ta có với ta một hình ảnh, mà cái nhìn của ta tạo nên một liên lạc giữa sao và ta, và ý thức ta, một cách nào đó, đã ở trên trời ở mút cùng của cái nhìn, nơi có sao, vì chúng ta không thấy vật nơi ta, mà ngoài ta. Và khi tư tưởng ta nghĩ đến đời, tư tưởng ta, như Pascal nói “bao gồm” luôn thế gian.
Ta thử so sánh những sự vật với những nhân vị. Không chỉ nhân vị, mà những thân hình hiện ra như những gút tương quan; chúng có vẻ mất tánh cách vật chất dưới con mắt nhà bác học chỉ thấy chúng như những khối đục và đầy, như những chùm quan hệ giữa những  vi thể rải rác trong không trung và có thể tự phân ra hệ thống tương quan, như một lít nước phân ra thành giọt, thành phân tử,  nguyên tử, điện tử, photons… nền tảng rắn của những vật như tan biến, hay quy về những điểm nhỏ không có kích tấc, và chỉ còn là những trung tâm quan hệ. Như vậy mọi khoa học chỉ là một bảng luật mà mỗi luật ấn định một hình thức tương quan.
Hữu thể của nhân vị, trái với hữu thể của thế giới vật lý, là một trung tâm tương quan qua đó hữu thể tìm lại nội tính của mình và cố trở lãi chính mình trong toàn hảo. Nhân vị không phải  cái nầy  hay  cái kia , mà ao ước  hiện hữu một cách đầy đủ nhất nếu được, tự đặt như thể là một giá trị cứu cánh.
Mỗi nhân vị đắm trong toàn thể, được toàn thể nâng đỡ, tuy hữu thể của mỗi nhân vị diễn biến trong một bí mật không chuyển thông được. Một nhân vị là vừa nguyên lý, môi trường và cứu cánh của tất cả hữu thể và biết và muốn như vậy. Nhân vị không chỉ phát huy khi có quan hệ với thế gian, mà từ khi sinh, đã bám rễ trong thế gian. Bất cứ con người nào phải nhập trong một thể xác. Thể xác, theo nghĩa hẹp, là cơ thể thịt xương trong đó người sống và chuyển động, nhưng theo nghĩa rộng cơ thể của con người là cả thế giới, vì cơ thể của ta không thể sống , nếu không có đất nâng đỡ, hay không có bầu không khí có mặt trời sưởi ấm và cho dưỡng khí.
Bản chất thể xác của con người đã nhiều lần bị chối từ. Theo Platon, con người chỉ là một linh hồn, thể xác chỉ là một nhà tù trong đó ta bị giam cầm vì một lỗi nguyên thủy. Theo thuyết hiện sinh vô thần, con người là chẳng gì khác là tự do của nó. Scheler, triết gia Đức, phân biệt nơi người hai phạm vi đối nghịch : phạm vi sống hay của động vật, và phạm vi tinh thần hay nhân vị. Nhưng chúng ta phải nên chấp nhận như một sự hiển nhiên chúng ta đâu phải là những thiên thần, và thay vì loại bỏ thể xác. phải công nhận ý nghĩa chính xác của  nó. Thể xác là một nơi giam cầm, vuì thể xác, mà ta bị giữ nơi đất và ta chỉ biết ngoại cảnh qua những cơ quan cảm giác thể xác làm ta lệ thuộc những nhu cầu của nó và chuyển cho ta tánh cách mong manh của nó. Tinh thần có thể bất diệt , nhưng thể xác tan rã dễ dàng. Thể xác lại cho một nhân vị cái bề ngoài, và như thế bị nhòm ngó. Con người nhập thể chỉ bí ẩn một phần và biểu hiện một phần ;  cơ thể như là một cái màn vừa che vừa phát hiện con người, cho phép người chuyển thông, thành thử cuộc sống con  người thấy như một trò chơi dối trá và chân lý lẫn lộn.

Tuy nhiên sự sống và nhân vị nơi ta không phải hai lực khác nhau về bản chất và tự định. Nhân cách ta không chỉ là một tự do biệt lập hoàn toàn, sinh ra từ hư vô và chẳng liên hệ với gì hết. Nhân cách ta chính là cuộc sống của ta. Ta không phải là một